Muốn có tô cà pháo ngon, giòn ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng cần phải chú ý.
Nguyên liệu:
Cà pháo: quả càng nhỏ, cùi dày, càng trắng càng ngon.
Riềng thái miếng mỏng (càng nhiều càng thơm ngon và làm trắng cà và giòn).
Tỏi khô bóc vỏ thái nhỏ (càng nhiều càng thơm ngon).
Muối hạt (có thể dùng muối tinh cũng được nhưng không ngon bằng muối hạt).
Cách làm:
Cà mua về rải mỏng ra một cái sạp (hay nong, nia gì đó) để hơi héo, gọt bỏ cuống và đài quả cho vào nước lạnh ngâm rửa sạch, lưu ý không cắt phạm vào phần quả khi muối dễ bị hỏng. Sở dĩ phải để hơi héo vì như vậy sẽ dễ gọt bóc cuống cà và khi muối cà ăn sẽ giòn hơn.
Cà sau khi rửa sạch để ráo nước. Rải 1 lớp cà xuống đáy vại (lu, khạp, hộp,...) dùng để muối cà, rắc muối lên trên mặt cà (khoảng trung bình 5-10 hạt muối/quả cà là được. Sau đó rải đều riềng tỏi lên trên. Rồi cứ 1 lớp cà, rắc muối, riềng, tỏi cho đến hết. Dùng vật nặng dùng để nén cà, ấn chặt, đậy kín nắp. Sau khoảng 5-6h lại ấn chặt thêm (vì cà ngấm muối nên có thể chèn thêm được).
Sau 1 ngày, pha muối vào nước đun sôi, lượng muối có thể nếm thấy mặn vừa ăn là được, để nguội nước pha muối rồi đổ vào ngập cà, nhớ chặn bằng vỉ hoặc đĩa sứ (dưới vật nén) tránh cà nổi lên mặt nước.
Trời mùa này để 1 ngày 1 đêm là cà bắt đầu vàng. Sau 2-3 ngày là có thể ăn được (cà có cùi mỏng thì mau chín, cà cùi dày thì lâu chín hơn. Muối nhạt cà mau chua nhưng mau hỏng, muối mặn cà lâu chua nhưng để được lâu). Đúng lúc này lấy cà ra cho lọ nén bằng một túi ni lông có nước cho vào tủ lạnh để ăn dần rất ngon.
Mẹo nhỏ:
- Nếu sau 3-4 ngày thấy trên mặt nổi rất nhiều váng màu trắng thành lớp và sủi bọt thì là nước muối pha hơi nhạt. Xử lý bằng cách chắt đổ nước đi, pha nước muối khác đổ vào.
- Lần muối sau nếu cho thêm một chút nước cà đã muối chua vào thì sẽ mau chua hơn nhưng nước thường có nhớt.
- Không nên để lâu quá cà sẽ nổi váng trắng ăn rất độc hại, gây ung thư.